Bài viết chuyên sâu về việc “Động đất tại KomTum” (phần 2)

GIẢI MÃ CƠ CHẾ ĐỘNG ĐẤT KÍCH THÍCH

TẠI THỦY ĐIỆN SÔNG TRANH 2.

 

                                                            Lê Trọng Thắng – Trường Đại học Mỏ-Địa chất

Công Trình Thủy điện Sông tranh 2 được xây dựng trên sông Tranh, thuộc hệ thống sông Vũ Gia- Thu Bồn.. Đập chính của công trình cao trên 97 m, cách trung tâm huyện lỵ Bắc Trà My khoảng 10 km về phía tây, có tọa độ: 1501445” và 10801468”. Hồ chứa nước kéo dài theo thung lũng sông tranh, sông Pui và các suối lớn: Nước Tà, Nước Tà Vi, Nước Xa có diện tích 21 km2. Mực nước dâng bình thường trong hồ (MNDBT):175 m; mực nước chết (MNC): 140m.

1. Đặc điểm địa chất – kiến tạo và thủy địa nhiệt khu vực công trình [ 1 ]

    • Địa tầng – kiến tạo

– Hệ tầng Sông Re ( PR1Sr) lộ ra ở phía nam hồ chứa, chiếm diện tích khoảng 5 km2 với tập 1là các đá biến chất gnei biotit, plagiogneis biotit; plagiogneis 2 mica; tập 2 là Goneibiotit –horblend, plagiogneis biotits-horblend xen đá phiến thạch anh- biotit-amphibol; tập 3 là đặc trưng xen kẽ của Goneibiotit, plagiogneis biotit, đá phiến thạch anh-fenspat-biotit-horblend.

– Hệ tầng Tắc Pỏ ( PR1tp) lộ ra ở thượng lưu hồ chứa, khu vực ngã ba Sông Tranh 2 với suối nhánh Nước xa, có diện tích khoảng 6km2. Thành phần thạch học chủ yếu là gneis biotit, plagiocla biotit, ít đá phiến thạch anh biotit, phiến thạch anh biotit-graphit.

– Hệ tầng Khâm Đức (PR1kd) phân bố rộng rãi, chiếm diện tích khoảng 80 km2 gồm: tập 1 là các đá phiến kết tinh, đá phiến plagiocla- thạch anh-biotit, đá phiến thạch anh – plagiocla-biotit, đá phiến thạch anh có granat; tập 2 chủ yếu là amphibol xen kẹp phiến kết tinh; tập 3 chủ yếu là gneis, gneis amphibol, gneis amphibol-biotit.

Phần trên cùng là các thành tạo đệ tứ gồm các trầm tích aluvi và proluvi phát triển dọc thung lũng sông Tranh.

Hoạt động mác ma xâm nhập trong vùng cũng rất mạnh với các phức hệ Tà Vi, Nậm Nin, Chu Lai, Trà Bồng.

Đứt gẫy trong khu vực phát triển theo phương á vĩ tuyến và TB-ĐN. Hệ thống đứt gẫy theo phương á vĩ tuyến cắt qua khu vực hồ chứa nước sông Tranh gồm: đứt gẫy bậc II Hưng Nhượng – Tà Vi, là đứt gẫy phân đới nằm ở thượng lưu hồ chứa, phân chia hai đới cấu trúc Ngọc Linh và Trà Bồng-Khâm Đức, trong phạm vị nghiên cứu có chiều dàì 5 km. Qúa trình thực địa kiểm tra đã quan sát được dấu vết của đứt gẫy này với khe hẻm kéo dài và vết lộ đới phá hủy ngay bên bờ phải hồ, cách đập khoảng 2 km, hình 1.

Hình 1. Ảnh đứt gãy bậc 2 Hưng Nhượng- Tà Vi bên bờ phải phía thượng lưu hồ, cắt qua lòng hồ ( Chụp ngày 4/11/2012)

Các đứt gẫy bậc III gồm: đứt gẫy III1 nằm phía trái sông Tranh, cách đập 2 km, cắt qua tập 3 của đất đá hệ tầng Khâm Đức, kéo dài 11 km trong khu vực nghiên cứu; đứt gẫy III2 nằm ở bờ phải sông Tranh cách đập 2 km, trung tâm vùng nghiên cứu và kéo dài 6 km trong phạm vi khu vực nghiên cứu; đứt gẫy III3 ở phía nam vùng nghiên cứu, dài 9 km và đóng vai trò ranh giới tập 1, tập 2 của hệ tầng Khâm Đức; đứt gẫy III4 nằm trong đới cấu trúc Ngọc Linh, là ranh giới của hệ tầng Sông Re và hệ tầng Tắc pỏ, trong phạm vi nghiên cứu dài 5,5 km. Hệ thống đứt gẫy Tây Bắc – Đông Nam khá phát triển trong vùng nghiên cứu và chủ yếu là đứt gẫy bậc IV, có chiều rộng đới phá hủy 0.5-2 m, đới ảnh hưởng hàng chục mét, chiều dài hàng trăm đến hàng nghìn mét. Các đứt gẫy bậc IV hầu hết là đứt gẫy thuận, mang tính trượt bằng phải hoặc trái, có biên độ dịch chuyển từ vài mét đến vài chục mét.

Theo tài liệu của Trung tâm địa chấn quốc tế (ISC) thì động đất trong khu vực được ghi chép bắt đầu từ năm 1917. Theo tài liệu quan trắc của mạng lưới trạm địa chấn Việt Nam thì các rung động địa chấn được ghi nhận từ tháng 3 năm 1917 có cường độ 4,7 độ Richter và lớn nhất vào ngày 25/7/1957 đạt 4,8 độ Richter. Một số trận động đất vào các năm 1991, 1992 có cường độ chủ yếu từ 2 đến 3 độ Richter [1].

 

1.2. Đặc điểm thủy địa nhiệt khu vực

Do không nằm trong các vành đai kiến tạo nên nhìn chung, Việt Nam cũng không phải là nơi có tiềm năng lớn về địa nhiệt như một số nước láng giềng Nhật Bản, Phi lippines, Indonesia, Trung Quốc hay Pakistan. Gradien địa nhiệt phần trên đất liền chỉ đạt mức trung bình 2.50 ÷30 C / 100 m. Một số lỗ khoan tại khu vực thềm lục địa có thể đạt 600÷900 C [4]. Tuy nhiên, theo các tài liệu nghiên cứu vê tiềm năng địa nhiệt củả Việt Nam, những khu vực có chế độ kiến tạo và macma hoạt động mạnh như vùng Tây Bắc, đới Trường Sơn thì tiềm năng địa nhiệt khá tốt.

Dọc theo các đới này phát hiện được nhiều mạch nước nóng có nhiệt độ rất cao. Số liệu thông kê trong bảng dưới đây:

Từ bảng số liệu trên có thể nhận thấy, dọc theo dải miền trung có thể gặp các nguồn nước rất nóng có nhiệt độ tới hàng trăm độ C, cá biệt có điểm nước quá nóng nhiệt độ lên tới trên 1000 C. Theo số liệu tính toán lý thuyết thì một số điểm ở miền Trung như Thạc Trụ, Bang, nhiệt độ có thể đạt tới 1840 C [5]. Theo Danh bạ các nguồn nước khoáng và nước nóng Việt Nam [3] thì dải phân bố từ Đà Nẵng qua khu vực Trà My (Sông Tranh) vào đến Quảng Ngãi có nhiều mạch nước nóng nhiệt độ từ trên dưới 400C đến gần 800C đã cho thấy, khu vực Sông Tranh 2 có nền địa nhiệt lớn và liên quan đến các hoạt động macma và kiến tạo của khu vực.

     Đặc điểm địa nhiệt ở khu vực nghiên cứu có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành động đất kích thích tại khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2.

2. Diễn biến động đất xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2

Thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu tích nước từ 29/11/ 2010 và đến tháng 2/ 2011 thì đạt cao trình 158 m. Từ 13/10/ 2011 đến ngày 3/11/ 2011, mực nước hồ được nâng đến cao trình MNTKBT là 175m và được giữ liên tục trong 3 tháng, sau đó hạ dần đến cao trình MNC là 140 m vào ngày 22/6/ 2012 và duy trì lâu dài ở mực nước này nhằm giảm ảnh hưởng của động đất. Rung chấn đầu tiên với cường độ thấp quan trắc được vào ngày 24/12/ 2011, tức là sau gần 1 tháng tích nước, trước khi đạt cao trình mực nước dâng 158 m. Liên tục đến ngày 2/9/2012 xảy ra 41 lần rung chấn với cường độ chủ yếu trên dưới 3 độ richter. Từ ngày 3/9/ 2012 đến  ngày 25/10/2012 đã liên tiếp xảy ra 27 lần rung chấn, đặc biệt có các trận ngày 3/9 đạt 4.2 độ, ngày 23/10 đạt 4.1 độ và ngày 22/10 đạt 4.6 độ với gia tốc nền đo được là 106,82 cm/s2. Ngày 15/10/2012 xảy ra trận động đất lớn nhất với cường độ 4.7 độ richter, sau đó các ngày 9/12 xảy ra trận 3.9 độ; 28/12/2012 là 4 độ, ngày 7/3/2013 là 3.6 độ, ngày 7/4/2013 là 3.8 độ, ngày 25/11/2013 có rung nhẹ  và đo được 2.3 độ, ngày 12/1/2014 xảy ra trận động đất 2,6 độ richter, 28/4/215 là 2,2 độ và 12/6/2014 có hai rung chấn nhỏ. Sau thời gian khá dài ổn định, ngày 20/2/2015 đã xảy ra rung chấn có cường độ  2,5 độ Richter  và ngày 21/2/2015 có dư chấn nhỏ trong trạng thái mực nước dâng thiết kế.

Một số điểm cần lưu ý:

– Những rung chấn có cường độ lớn tập trung vào thời gian mực nước đã hạ xuống mức 140 m, ngang mực nước chết (biểu đồ hình 2);

– Mỗi lần xảy ra rung chấn, theo mô tả đều kèm theo các tiếng nổ ngầm trong lòng đất, đặc biệt có lúc tiếng nổ ngầm xẩy ra liên tục, có khi chỉ nghe được những tiếng nổ lụp bụp.

– Từ dãy số liệu quan trắc địa chấn nhận thấy, các rung chấn xảy ra có tính chu kỳ rất rõ, có giai đoạn xuất hiện liên tục với tần suất 1 đến 2 ngày / trận, cụ thể:  Từ ngày 24/12/2011 đến 15/4/2012 xảy ra 27 rung chấn có tần suất trung bình 4 ngày/trận. Thời gian ngắn nhất là 1 ngày và dài nhất là 15 ngày; Từ 27/4/2012 đến 30/8/2012 xảy ra 3 đợt rung chấn với khoảng cách 12, 102 và 13 ngày; Từ 2/9/2012 đến 25/10/2012 xảy ra 18 rung chấn, trung bình 3 ngày/trận. thời gian ngắn nhất là 1 ngày và lâu nhất là 9 ngày; Từ 15/11/2012 đến 20/2/2015 xảy ra 12 rung chấn có tần suất trung bình 70 ngày. Đáng chú ý là trong thời gian này các trận ngày 9/9/2013 có dãn cách 132 ngày, rung chấn ngày 28/5/2014 là 136 ngày và rung chấn ngày 20/2/2015 là 250 ngày và dư chấn tiếp theo cách 1 ngày. Hiện nay các rung chấn đã cơ bản đi vào ổn định. (Bảng 3)

Như vậy, tình hình động đất kích thích xẩy ra tại Thủy điện sông Tranh 2 với trên dưới 70 trận động đất có cường độ khác nhau xảy ra liên tục trong thời gian qua đã cho thấy tính chất đặc biệt tại công trình thủy điện này, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu để giải mã cơ chế của nó, từ đó cho phép đưa ra các dự báo cũng như có thể rút ra những đánh giá cần thiết cho các trường hợp tương tự.

3.Giải mã cơ chế động đất kích thích tại thủy điện Sông Tranh 2

Thực tế xây dựng các công trình đập và hồ chứa cũng như các hoạt động khác gây sũng ướt đất đá đã làm tăng hoạt tính địa chấn, bao gồm cả tần số và cường độ của động đất. Hiện tượng động đất kích thích được ghi nhận đầu tiên tại công trình đập Guver và hồ chứa Mid Leyk Colorado (Mỹ) được xây dựng năm 1937. Khi phân tích các tài liệu liên quan, nhóm công tác của UNESCO đã có nhận xét: thực tế khi tích nước vào các hồ chứa có nhiều trường hợp đã gây nên động đất. Tuy nhiên một số hồ khác lại không xẩy ra các hiện tượng động đất kích thích. Thời gian xẩy ra động đất kích thích thường rơi vào thời kỳ 2-3 năm đầu tích nước hồ. Tuy nhiên cũng có trường hợp thời gian này kéo dài hơn như hồ Aswoan Ai Cập sau khi tích nước năm 1964 và đến năm 1981, tức 17 năm sau xảy ra động đất 5.6 độ. Hồ chứa nước Koyna An độ xảy ra động đất kích thích 6.3 độ sau 5 năm tích nước và tiếp tục xảy ra các trận động đất kích thích có cường độ đáng kể sau 30 năm. Các yếu tố chiều cao cột nước, dung tích hồ cũng như diện tích mặt thoáng đều có liên quan đến khả năng xảy ra động đất kích thích. Theo giáo sư P.Rotê (Pháp) thì cột nước trong hồ chứa đóng vai trò quan trọng hơn so với dung tích hồ [4]. Peter M. Jemes cho rằng, hiện tượng động đất xảy ra khi hồ chứa nước làm thay đổi áp lực nước trong lòng đất với mức độ đủ để các cấu trúc địa chất dịch chuyển để gây nên động đất [7]. Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm hiểu nguyên nhân xẩy ra động đất kích thích khi xây dựng các hồ chứa nước [8] và nhìn chung đều có sự thống nhất về nguyên nhân gây động đất kích thích sau khi xây dựng đập và tích nước vào hồ chứa là do 2 yếu tố chủ yếu:

– Do trọng lượng cột nước cao trên diện tích hồ rộng lớn đã tác động vào các cấu trúc đất đá dưới sâu, làm tăng trạng thái ứng suất tự nhiên đã được tích tụ đến gần trạng thái giới hạn trong các khối đá, vượt quá khả năng độ bền của chúng, gây dịch chuyển và phát sinh các chấn động địa chấn. Thường khi hồ chứa có cột nước từ 100 m trở lên có nhiều khả năng xảy ra động đất kích thích.

– Do nước thấm sâu vào đới dập vỡ của các đứt gẫy dưới lòng hồ, làm tăng áp lực nước lỗ rỗng và giảm áp lực hữu hiệu trong đới dập vỡ của đứt gẫy, dẫn đến giảm khả năng kháng cắt của đất đá. Ngoài ra, sự tẩm ướt đất đá ở đới dập vỡ còn làm giảm các chỉ tiêu sức kháng cắt của chúng, đặc biệt là giảm chỉ tiêu lực dính.  Kết quả là làm cho sự tích tụ ứng suất trong đới đứt gẫy vượt quá giới hạn độ bền, làm dịch chuyển các khối đá, giải phóng năng lượng tích tụ và gây nên các chấn động địa chấn. Yếu tố này có thể gây nên động đất kích thích ngay cả khi hồ chứa nước có cột nước dâng không lớn và chỉ có tác động khi tồn tại các con đường cho nước hồ vận động xuống sâu để tẩm ướt đất đá.

Tuy nhiên, có tác giả còn cho rằng [4], một số trường hợp động đất kích thích có thể  liên quan đến sự phá vỡ cân bằng giữa áp lực bên trong của nước dưới đất quá nhiệt dưới sâu và áp lực của các khối đất đá nằm trên dọc theo các phá hủy kiến tạo. Đây là cơ sở để có thể xem xét cơ chế của động đất kích thích tại thủy điện Sông Tranh 2.

Nếu căn cứ vào cơ chế chung gây nên dịch chuyển đất đá trong đới đứt gẫy sẽ rất khó thuyết phục khi giải thích những đặc điểm riêng của hiện tượng động đất kích thích xảy ra tại công trình thủy điện Sông Tranh 2. Theo cơ chế dịch chuyển đất đá thì nhìn chung, khả năng dịch chuyển đất đá để tạo nên các rung chấn được tích lũy dần theo các yếu tố tích lũy về tải trọng (chiều cao cột nước), thời gian gia tăng áp lực nước lỗ rỗng, thời gian mềm hóa làm giảm độ bền của đất đá. Những yếu tố này chỉ có tác động trong điều kiện cấu kiến tạo nhất định và thường phát triển trên các khu vực có đứt gẫy lớn, thời gian thường kéo dài.  Theo cơ chế này rất khó giải thích tính chu kỳ dầy đặc và biểu hiện các rung chấn kèm theo những tiếng nổ ngầm, có khi là tiếng nổ lục bục liên tục ngầm trong lòng đất. Mặt khác, những rung chấn chủ yếu và có cường độ lớn nhất lại rơi vào thời gian mực nước trong hồ đã hạ thấp xuống mực nước chết trong thời gian dài.

Trên cơ sở phân tích đặc điểm địa chất, kiến tạo và thủy địa nhiệt khu vực, có thể thấy rằng, cơ chế của động đất kích thích tại công trình thủy điện Sông Tranh 2 không liên quan đến sự dịch chuyển của đất đá theo cơ chế thông thường như cách giải thích của các nhà khoa học.  Cơ chế xảy ra động đất kích thích lại thủy điên Sông Tranh 2 liên quan trực tiếp đến đặc điểm địa nhiệt của khu vực kết hợp với nước thấm từ lòng hồ xuống sâu, dẫn đến việc tích tụ hơi nước và làm tăng áp suất cục bộ. Khi áp suất cục bộ vượt quá giới hạn nào đó sẽ phát nổ  và gây nên sóng địa chấn ( cơ chế nổ nồi hơi).

Cơ chế này được gải thích cụ thể như sau: Sự có mặt của các đứt gẫy trong khu vực, đặc biệt là đứt gẫy bậc II Hưng Nhượng – Tà Vi đã tạo nên đới dập vỡ dọc theo đứt gẫy. Trong đới dập vỡ đã hình thành những khu vực có độ rỗng cục bộ rất lớn. Bình thường, nước hồ khó có thể thấm qua lớp phủ trên mặt để xuyên xuống sâu trong đới dập vỡ của đứt gẫy. Tuy nhiên, dưới tác dụng của áp lực cột nước hồ lớn tạo nên gradient thấm vượt quá nhiều so với gradient giới hạn của đất đá, tạo nên dòng thấm xuyên đi xuống dưới sâu. Khi gặp đới địa nhiệt có nhiệt độ cao trên 100 0 C, nước sẽ bị bốc hơi và tích tụ lại trong những khoảng trống do đứt gẫy tạo nên trong lòng đất. Dòng nước phía trên vẫn tiếp tục di chuyển xuống đã tạo nên nút bịt, làm tăng áp suất trong các khoảng trống này. Khi áp lực hơi nước tích tụ  vượt quá trọng lượng cột nước đi xuống sẽ phát nổ và gây nên sóng địa chấn. Nếu sự tích lũy áp suất trong những khoảng trống nhỏ hoặc đồng thời trong nhiều khoảng trống nhỏ sẽ dẫn đến những vụ nổ liên tiếp, tạo nên những tiếng nổ liên tục ngầm trong lòng đất đã nghe được mỗi khi xảy ra các rung chấn và tạo nên các rung chấn có cường độ thấp. Những rung chấn xẩy ra theo cơ chế này cho thấy, không nhất thiết cột nước cao mới gây nên động đất, mà chỉ cần độ cao đủ lớn để tạo nên dòng thầm đi xuống sâu trong lòng đất. Điều này đã giải thích rõ, tại sao các rung chấn chủ yếu và có cường độ lớn nhất lại xảy ra trong khoảng thời gian mực nước hồ đã giảm về mực nước chết và tồn tại trong thời gian dài. Như vậy, cơ chế này cũng cho thấy, dù các đứt gẫy có quy mô không lớn nhưng vẫn có thể là tiền đề để tạo nên hiện tượng động đất kích thích nếu như nó có thể là con đường để nước thấm sâu vào lòng đất có điều kiện địa nhiệt thích hợp. Từ phân tích cho thấy, vai trò gây nên động đất kích thích tại công trình thủy điện Sông tranh 2 không chỉ do đứt gẫy bậc II, mà có thể cả các đứt gẫy bậc III và IV khi chúng là những con đường thấm để nước đi xuống sâu trong lòng đất. Như vậy, điều khác biệt của cơ chê là các rung chấn không phải được gây nên do sự dịch chuyển của đứt gẫy mà đứt gẫy chỉ đóng vai trò là con đường dẫn nước và hình thành nên đới dập vỡ có độ rỗng lớn.

Qúa trình di chuyển của dòng thấm càng xuống sâu càng chậm lại do sức cản thủy lực, đồng thời diễn ra quá trình làm nguội dần nhiệt độ của đất đá trong đới chịu tác động của dòng thấm. Khi quá trình này dần đạt đến trạng thái cân bằng, phần đất đá này sẽ nguội dần và không còn điều kiện để tích tụ hơi nước nữa, dẫn đến các rung chấn giảm dần và đi vào ổn định. Nơi nào đó cục bộ vẫn còn những điều kiện tích tụ, đặc biệt là trong thời gian kéo dài, sẽ tiếp tục có những vụ nổ nhỏ cục bộ và gây nên những rung chấn nhỏ. Theo cơ chế này  có thể thấy, thời gian đâu các chấn tâm sẽ xẩy ra ở độ sâu không lớn và gần các đứt gẫy ở khu vực hồ chứa hơn và càng về sau, các tâm chấn sẽ có xu hướng xuông sâu và xa dần.

Từ cơ chế hình thành động đất kích thích công trình Thủy điện Sông Tranh 2, có thể rút ra một số kết luận sau:

        1. Theo cơ chế của động đất kích thích xảy ra tại công trình thủy điện Sông Tranh 2 liên quan đến đặc điểm địa nhiệt của khu vực, có thể cho phép dự báo quá trình tác động địa nhiệt của dòng thấm đã đi vào trạng thái cân bằng và nhìn chung không còn tiền đề để xảy ra động đất có cường độ cao. Thời gian tới, nếu xẩy ra các rung chấn thì chỉ mang tính chất cục bộ với cường độ và tần suất nhỏ.

         2. Khu vực xây dựng các công trình hồ chứa nước có điều kiện địa nhiệt cao, tồn tại hệ thống đứt gẫy có thể tạo nên những đường thấm để nước hồ có thể đi xuống sâu trong lòng đất là những nơi có tiền đề xẩy ra hiện tượng động đất kích thích liên quan đến cơ chế địa nhiệt.

        3. Hiện tượng động đất kích thích xảy ra theo cơ chế liên quan đến điều kiện địa nhiệt có thể xảy ra kể cả đối với các hồ chứa nước không lớn và cột nước dâng thấp, miễn là hội đủ các điều kiện cần thiết.

Kiến nghị:

– Khi xây dựng các hồ chứa nước lớn và cột nước cao, ngoài việc nghiên cứu các đặc điểm kiến tạo của khu vực xây dựng, cần nghiên cứu sự xuất hiện của các mạch nước nóng là dấu hiệu cho thấy tiềm năng địa nhiệt của khu vực xây dựng.

– Khi khu vực xây dựng hồ có đủ tiền đề xảy ra động đất kích thích theo cơ chế liên quan đến địa nhiệt, tốt nhất là không nên chọn vị trí lòng hồ có những đứt gẫy lớn. Trường hợp không tránh được, cần có giải pháp kỹ thuật giảm khả năng thấm của nước hồ xuống sâu.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tài liệu khảo sát ĐCCT giai đoạn thiết kế kỹ thuật Thủy điện Sông Tranh 2 do Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Thủy điện I lập;
  2. Tài liệu quan trắc động đất tại Thủy điện Sông Tranh 2 do bên A cung cấp và theo dõi qua nguồn mạng;
  3. Võ Công Nghiệp (chủ biên). Danh bạ nước khoáng và nước nóng Việt Nam. Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam;
  4. Võ Công Nghiệp. Cần có một cách nhìn đúng mực về tiềm năng địa nhiệt Việt Nam. Tạp chí Địa chất số 336-337;
  5. Hoàng Hữu Qúy (chủ biên). Báo cáo “ Nghiên cứu đánh giá tiềm năng địa nhiệt lãnh thổ từ Quảng Nam-Đà Nẵng đến Bà Rịa – Vũng Tầu”, 1995. Lưu trữ tại Viện Địa chất và khoáng sản Hà Nội.
  6. D. Loomtadze. Địa chất động lực công trình, Nhà xuất bản “Trái đất” chi nhánh Leningrad, 1977;
  7. Peter M. Jemes. “ Mechanissms of reservoir induced seismicity”(nguồn mạng)
  8. Các bài viết liên quan đến động đất kích thích theo nguồn mạng: http://tiasang.com.vn; http://tonghoidiachat.vn.

 

GIẢI MÃ CƠ CHÊ ĐỘNG ĐÁT KÍCH THÍCH

TẠI CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN SÔNG TRANH 2

 

                                               PGS.TS.Lê Trọng Thắng – Trường Đại học Mỏ – Địa chất

Tóm tắt: Sau khi tích nước hồ chứa công trình thủy điện Sông Tranh 2 đã xảy ra gần hàng trăm rung chấn với cường độ lớn nhất đạt được là 4,7 độ Richter. Với đặc điểm của tần suất cũng như diễn biến của các rung chấn kèm theo những tiếng nổ ngầm, có khi là nổ liên tục trong lòng đất đã cho thấy, hiện tượng động đất kích thích tại công trình này có sự khác biệt về cơ chế so với những trận động đất kích thích đã từng xẩy ra. Trên cơ sở phân tích tài liệu quan trắc địa chấn cũng như các đặc điểm địa chất, kiến tạo và thủy địa nhiệt của khu vực, nội dung báo cáo đã nêu giả thuyết về cơ chế động đất kích thích tại công trình này phù hợp với quy luật vật lý và giải thích được sự khác biệt của động đất kích thích xảy ra tại công trình này. Kết quả nghiên cứu đã cho phép đưa ra dự báo diến biến động đất kích thích cũng như dự báo khả năng xảy ra động đất kích thích tại các hồ chứa nước có điều kiện địa chất, kiến tạo và thủy địa nhiệt tương tự.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *