Ông Thiện (Thanh Hoá) muốn khoan giếng khai thác nước sinh hoạt cá nhân, hộ gia đình trong phần đất của mình, vậy ông có phải xin phép xã hay huyện không?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Theo Khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải xin phép gồm:
– Khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình;
– Khai thác, sử dụng nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
– Khai thác, sử dụng nước phục vụ các hoạt động văn hoá, tôn giáo, nghiên cứu khoa học;
– Khai thác, sử dụng nước cho phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.hai thác, sử dụng nước cho phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
Theo Điểm c Khoản 1 Điều 1 Điều 17 Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 01/02/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và Khoản 2 Điều 44 Luật Tài nguyên nước thì khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình thì phải đăng ký trong trường hợp hợp khu vực khai thác nước dưới đất nằm trong danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do UBND cấp tỉnh công bố hoặc ở các vùng mà mực nước đã bị suy giảm quá mức.
Theo Điểm a Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 02/2023/NĐ-CP thì khai thác nước dưới đất có quy mô lớn hơn 10m3/ngày đêm trở lên phải có giấy phép.
Do đó, theo quy định nếu trường hợp khoan giếng khai thác nước sinh hoạt cá nhân hộ gia đình của ông Thiện mà có quy mô không vượt quá 10m3/ ngày đêm và không thuộc trường hợp nằm trong danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do UBND tỉnh Thanh Hoá công bố và vùng có mực nước đã bị suy giảm quá mức thì không phải đăng ký, không phải xin cấp phép.
Theo trang Thông tin Chính phủ.